Latest News

Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

Bệnh hysteria

Đây là một dạng rối loạn tâm thần kinh được y học mô tả từ rất lâu. Người bệnh sẽ có các triệu chứng: thở nhanh, ngất xỉu hoặc ngủ mê.
Dạo gần đây, chị Thanh (30 tuổi) hay cảm thấy mệt mỏi, uể oải, dễ xúc động và hay khóc một mình. Sau khi sinh con, vừa chăm con vừa đi làm nên chị ngày càng thiếu ngủ. Hơn nữa, chị chẳng thể làm quen với giấc ngủ trưa do công việc bề bộn, đặt mình xuống mà mọi việc vẫn còn lẩn quẩn xung quanh nên chị không tài nào chợp mắt. Chị cảm thấy thần kinh của mình "có vấn đề". Chị hay bị choáng, dễ giật mình, nhất là khi chạy xe máy trên đường. Trong một lần tranh cãi gay gắt với chồng, chị quá xúc động, đột nhiên thở nhanh rồi ngất xỉu. Sau đó, chị khỏe lại bình thường như... chưa có chuyện gì xảy ra. Theo các bác sĩ, đây chính là biểu hiện của bệnh hysteria (ngất tạm thời).

Hysteria gặp chủ yếu ở nữ
Bệnh xảy ra đột ngột, biểu hiện đa dạng và sau đó, bệnh nhân lại bình thường. Do đó, nhiều người vẫn nghi ngờ hysteria có thật sự là bệnh hay không. Ngay cả những bác sĩ điều trị, nếu chưa có kinh nghiệm, cũng rất dễ chẩn đoán nhầm bệnh vì không có bằng chứng về cận lâm sàng để chứng minh.

Hysteria là một tình trạng bệnh rối loạn tâm thần kinh được mô tả từ rất lâu. Y học hiện đại xếp hysteria vào nhóm bệnh loạn thần phân ly. Tần suất bệnh gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới khoảng 10 lần do phụ nữ trẻ có hệ thần kinh nhạy cảm, nhân cách yếu, thiếu sự chịu đựng thường dễ mắc bệnh. Đôi khi, bệnh cũng xuất hiện ở trẻ em được nuông chiều quá mức.

Biểu hiện nổi bật nhất của bệnh là cơn hysteria với các triệu chứng như: thở nhanh, ngất xỉu, hay một số biểu hiện khác như: ngất, ngủ lịm. Đôi lúc, hysteria chỉ là những rối loạn về vận động, cảm xúc, giác quan hay dị cảm... Cơn hysteria xuất hiện khi hệ thần kinh cao cấp bị kích thích quá độ, làm mất sự điều chỉnh bình thường của hệ vỏ não cao cấp. Cơn khởi phát sau sang chấn tâm thần kinh, lo sợ, tức giận...

Bệnh có thể xuất hiện tập thể
Bệnh thường xuất hiện từng cá thể, nhưng đôi lúc cũng gây ảnh hưởng cho những người có hệ thần kinh yếu, chịu chung hoàn cảnh sang chấn, làm nhiều người cùng bị bệnh tập thể. Tuy nhiên, hysteria không phải là bệnh lây nhiễm. Do chưa có những cận lâm sàng chứng minh nên xác định bệnh hysteria là chẩn đoán loại trừ các nguyên nhân thực thể khác.

Các cách chăm sóc người bệnh: Khi có người bị bệnh hysteria, bạn nên có thái độ ứng xử thích hợp như
- Chăm sóc ân cần, chu đáo nhưng tự tin, không ủy mị làm ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh.
- Để người bệnh nằm trên giường rộng, tránh bị ngã khi xoay trở. Tránh nằm gần những vật cứng, dễ vỡ. Nơi nằm nên có không khí thoáng mát.
- Giải thích, trấn an cho bệnh nhân và khuyên họ hít thở đều.
- Nếu mọi việc qua đi an toàn và đã được kiểm soát tốt, bạn chỉ cần chăm sóc người bệnh tại nhà.
- Nếu cơn kéo dài, bạn cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc tốt hơn. Tại đây, người bệnh được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý, trợ giúp thở ô-xy, điều chỉnh các bệnh nên phối hợp nếu có, dùng thêm các loại thuốc an thần.
- Phòng bệnh bằng phối hợp giảng dạy tâm lý và chăm sóc sức khỏe học đường, cân đối áp lực học tập, vui chơi, làm việc, nghỉ ngơi, loại trừ các yếu tố gây căng thẳng.
- Bệnh nhân hồi phục nhanh, nhưng bệnh dễ tái phát khi tiếp cận với những hoàn cảnh tương tự. Muốn cải thiện, người bệnh cần tập tính chịu đựng, tập luyện nhân cách vững vàng trong các môi trường khác nhau.
« PREV
NEXT »

Không có nhận xét nào

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.

Search

Followers