Latest News

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

Tiêu huyết khối và lấy huyết khối động mạch não

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Video minh họa lấy huyết khối động mạch não bằng dụng cụ

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017

Hiểu biết về bệnh parkinson

Phong bế thần kinh trong điều trị đau đầu do thần kinh chẩm lớn


PHONG BẾ THẦN KINH TRONG ĐIỀU TRỊ ĐAU ĐẦU DO THẦN KINH CHẨM LỚN
1. Giới thiệu
Đau đầu vùng chẩm còn được gọi là đau đầu Arnold (Arnold's neuralgia). Hiệp hội đau đầu quốc tế IHS (internantional headache society) định nghĩa đau  đầu vùng chẩm là những cơn đau kịch phát như dao đâm ở phần sau của hộp sọ tương ứng với đường đi và phân bố của các dây thần kinh chẩm lớn và chẩm bé, có thể một hoặc hai bên.
Vị trí đau điển hình đau từ vùng ụ chẩm lan dọc lên phía đỉnh đầu thuộc đường đi và phân bố của các thần kinh chẩm lớn GON (greater occipital nerve), thần kinh chẩm bé LON (lesser occipital nerve) hoặc thần kinh chẩm thứ 3 TON (third occipital nerve). Cơn đau khởi phát đột ngột, kéo dài khoảng 1-3 ngày, thường một bên. Đây là tình trạng bệnh lý rất thường gặp, IHS ước tính có khoảng 5% dân số ở độ tuổi trưởng thành mắc chứng này.
Nguyên nhân, đa số các trường hợp đau Arnold đều tự phát, không rõ nguyên nhân. Trong một số trường hợp, người ta tìm thấy một số nguyên nhân bao gồm: chấn thương, viêm khớp đốt sống cổ C2, đau thần kinh sinh ba cùng bên, xung đột thân kinh mạch máu giữa ĐM tiểu não sau dưới với rễ thần kinh C1/C2, thông động tĩnh mạch màng cứng vùng C1/C2, các khối u phần mềm vùng C1/C2, viêm đốt sống cổ C2, thoái hoá đốt sống cổ cao, u mạch thể hang trong tuỷ cổ....
Theo IHS, tiêu chuẩn chẩn đoán đau đầu do thần kinh chẩm gồm:
A
Đau đầu một hoặc hai bên, kèm theo một trong các tiêu chuẩn từ B-E
B
Đau đầu vùng chẩm theo vị trí phân bố của GON, LON, TON
C
Các triệu chứng đau có 2 trong 3 tính chất sau

1. Cơn đau tái phát có tính chất kịch phát, kéo dài vài giây đến vài phút

2. Đau dữ dội

3. Đau chói như dao đâm, bị cắt hay bị bắn
D
Đau kèm theo với 2 tính chất sau

1. Đau tăng lên dữ dội khi có những kích thích vô hại ở vùng da đầu hoặc tóc

2. Một hoặc hai tính chất sau:

a. Co cứng da đầu vùng đau

b. Có biểu hiện giật cơ vùng thần kinh chẩm lớn hoặc vùng tương ứng đốt sống cổ C2
E
Triệu chứng đau cải thiện rõ khi sử dụng thuốc gây tê tại chỗ
F
Triệu chứng không cải thiện khi sử dụng các phương pháp ICHD-3 khác

Phong bế thần kinh chẩm (occpital nerve block) là một loại kỹ thuật gây tê tại chỗ, tiêm hỗn hợp dung dịch gồm thuốc gây tê và thuốc chống viêm corticoid vào dây thần kinh chẩm để cắt đứt đường dẫn truyền những kích thích gây đau đi qua thần kinh chẩm. Đây là phương pháp được áp dụng vừa để chẩn đoán xác định, vừa để điều trị kiểm soát đau nửa đầu có nguyên nhân tổn thương thần kinh chẩm.

2. Chỉ định
·         Chẩn đoán đau đầu do tổn thương thần kinh chẩm
·         Điều trị đau đầu do tổn thương thần kinh chẩm
3. Chống chỉ định
·         Không có chống chỉ định tuyệt đối
·         Chống chỉ định tương đối khi có tổn thương phần mềm dưới da vùng chẩm: viêm da, áp xe phần mềm, dị dạng động tĩnh mach...
4. Nguyên lý kỹ thuật
Thần kinh chẩm lớn thuộc thần kinh tuỷ sống (spinal nerve), được tách từ bó trong thuộc nhánh lưng của rễ thần kinh cổ C2, đi ra từ lỗ tiếp hợp của đốt sống cổ C1 - C2, sau đó đi lên trên vào trong rồi song song và cách đường giữa khoảng 1.5cm, từ sâu ra nông. Nguyên lý cơ bản là chặn đường dẫn chuyền thần kinh cảm giác của các thần kinh chẩm. Có 2 phương pháp chặn đường dẫn truyền thần kinh được áp dụng phổ biến hiện nay là sử dụng các thuốc gây tê tại chỗ và sử dụng đốt sóng cao tần (radio-frequency ablation). 
Phương pháp dùng thuốc sử dụng hỗn dịch thuốc gây tê tại chỗ (lidocain, buvicaine...) trộn lẫn với thuốc chống viêm corticoid (methyl prednisonol) sau đó tiêm trực tiếp vào dây thần kinh và phần mềm xung quanh.
5. Quy trình kỹ thuật
Phong bế thần kinh chẩm có thể được thực hiện mù dựa vào các mốc giải phẫu vùng chẩm, gáy để xác định vị trí đường đi của các thần kinh chẩm.
Với kỹ thuật phong bế mù (blind approach), đầu tiên cần xác định các mốc giải phẫu ụ chẩm và mỏm chũm. Thần kinh chẩm lớn đi qua trung điểm của đoạn thẳng nối hai mốc này. Một cách khác để xác định là phía dưới ụ chẩm khoảng 3cm, các dây thần kinh chẩm lớn cách các mỏm gai đốt sống cổ khoảng 1.5cm. Do tiếp cận mù, không quan sát trực tiếp được các sợi thần kinh nên phương pháp này có thể không đạt được hiệu quả tối đa.

Hiện nay, đa số các bác sỹ sử dụng siêu âm có độ phân giải cao để xác định thần kinh chẩm lớn, chẩm bé để thực hiện phong bế. Do có thể quan sát được trực tiếp các dây thần kinh trên siêu âm nên việc phong bế trúng đích hầu như được đảm bảo tuyệt đối, do vậy hiệu quả phong bế sẽ đạt tối đa. 
Các bước tiến hành như sau:
- Bệnh nhân nằm sấp, trán kê gối mềm, đầu đội mũ che tóc
- Siêu âm xác định vị trí thần kinh chẩm
- Gây tê tại chỗ bằng Lidocain 1% với kim 25-25G
- Dùng kim 22G tiếp cận thần kinh chẩm dưới hướng dẫn siêu âm
- Phong bế thần kinh chẩm bằng hỗn dịch 20 mg Methylprednisolone / 2.5 mg Bupivacaine 0.5%. Hiệu quả tối đa khi hỗn dịch này được bơm khuếch tán  xung quanh dây thần kinh chẩm
- Tiếp tục thực hiện tương tự với bên đối diện (nếu có triệu chứng)
6. Kết quả điều trị
Ngay sau khi phong bế thần kinh chẩm, người bênh thường giảm đau ngay lập tức. Theo nhiều nghiên cứu (Navani et al, 2006) thì khoảng 60-70% các trường hợp hết đau hoặc giảm đau đáng kể trong thời gian 4-5 tháng. Sau thời gian này, nếu các triệu chứng tái diễn, người bệnh tiếp tục được thực hiện lặp lại quy trình phong bế tương tự.
7. Tai biến liên quan thủ thuật
·         Viêm, nhiễm trùng da và mô mềm
·         Dị ứng thuốc phong bế thần kinh
Kết luận
Đau nửa đầu nói chung và đau đầu thần kinh chẩm nói riêng là tình trạng bệnh lý khá phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người bệnh. Khi chưa xác định hoặc điều trị dứt điểm được nguyên nhân gây bệnh thì liệu pháp phong bế thần kinh chẩm giúp cải thiện hiệu quả các triệu chứng cho người bệnh. Đây là phương pháp thực hiện không quá phức tạp, dễ áp dụng, có hiệu quả giảm đau kéo dài. Thực hiện kỹ thuật phong bế thần kinh dưới hướng dẫn siêu âm sẽ làm tăng hiệu quả điều trị.


Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

Đã tìm ra thuốc điều trị bệnh teo cơ tủy sống

Teo cơ tủy sống (SMA) là một bệnh di truyền hiếm gặp và thường gây tử vong ảnh hưởng đến sức mạnh của cơ và vận động ở trẻ em và người lớn.


Một trẻ bị bệnh teo cơ tủy sống
Một trẻ bị bệnh teo cơ tủy sống
SMA là một bệnh di truyền gây yếu và teo cơ do mất tế bào thần kinh vận động ở tủy sống kiểm soát vận động. Có sự khác nhau rất lớn về tuổi phát bệnh, triệu chứng và tốc độ tiến triển.
FDA đã phê chuẩn Spinraza (nusinersen) để sử dụng trên diện rộng các bệnh nhân teo cơ tủy sống.
Hiệu quả của Spinraza đã được chứng minh trong một thử nghiệm lâm sàng gồm 121 bệnh nhi SMA khởi phát ở tuổi nhũ nhi được chẩn đoán bệnh trước 6 tháng tuổi và dưới 7 tháng tuổi tại thời điểm nhận liều đầu tiên.
Bệnh nhân được chọn ngẫu nhiên để tiêm Spinraza vào dịch não tủy, hoặc thủ thuật “giả” không tiêm thuốc (lẩy da). Số bệnh nhân được tiêm Spinraza nhiều gấp đôi số “tiêm giả”. Thử nghiệm đánh giá tỷ lệ bệnh nhân có cải thiện về các mốc vận động, như điều khiển đầu, ngồi, khả năng đá ở tư thế nằm ngửa, lẫy, bò, đứng và đi.
Những tác dụng phụ hay gặp nhất nhất ở những trẻ trong các thử nghiệm lâm sàng về Spinraza là nhiễm trùng đường hô hấp trên, nhiễm trùng đường hô hấp dưới và táo bón.
Cảnh báo và thận trọng bao gồm giảm tiểu cầu và độc tính với thận (nhiễm độc thận). Độc tính với hệ thần kinh (nhiễm độc thần kinh) đã được quan sát thấy trong các nghiên cứu trên động vật.
FDA đã dành cơ chế xem xét và phê duyệt nhanh cho hồ sơ này. Thuốc cũng được phân loại là thuốc mồ côi, mang đến những ưu đãi để hỗ trợ và khuyến khích phát triển thuốc cho các bệnh hiếm gặp.
Cẩm Tú
Theo Medical News Today
Được tạo bởi Blogger.

Search

Followers