Writen by
vn.neurology
01:15
-
0
Comments
Một nghiên cứu chỉ ra 22% bố mẹ có con
đái dầm nghĩ do bé lười biếng. Thực tế đái dầm không liên quan gì với sự
căng thẳng, thiếu tự tin...
Đái dầm là rắc rối phổ biến ở trẻ em. Không phải là bệnh lý nghiêm
trọng nhưng nó khiến trẻ gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp xã hội
và có thể dẫn tới sự căng thẳng cao độ trong gia đình. Tác động tâm lý
tiêu cực nhất của đái dầm là làm xói mòn lòng tự tin ở trẻ. Khi mắc
chứng bệnh này, đa số trẻ nghĩ mình có điều gì đó không ổn. Nhiều bé tin
đó là sự trừng phạt cho những suy nghĩ hay việc làm sai lầm của bản
thân. Tương tự như vậy, nhiều phụ huynh cũng tự trách mình không giỏi
làm cha mẹ.
Cảm giác tội lỗi càng bị đẩy cao nếu bạn bè hay người thân cho rằng sự
bất ổn về tâm lý là nguyên nhân khiến bé đái dầm. Sự căng thẳng và mệt
mỏi kéo dài có thể khiến cha mẹ nổi nóng, thậm chí còn trừng phạt khi
con đái dầm. Hiểu thấu đáo nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp cha mẹ tìm ra
những biện pháp điều trị hiệu quả.
Đái dầm là tình trạng tiểu tiện không tự chủ trong khi ngủ. Nói
chung đái dầm ở trẻ dưới 5 tuổi không phải điều đáng lo ngại vì lúc này
trẻ vẫn đang hoàn thiện khả năng kiểm soát bàng quang.
Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy khoảng 9% trẻ em trong cộng đồng mắc chứng
đái dầm. Khi lên 5 tuổi, khoảng 20% trẻ em mắc chứng này, tỷ lệ giảm
xuống còn 1% ở tuổi 16. Đái dầm tự khỏi cùng với thời gian, mỗi năm
khoảng 15% trẻ thoát khỏi tình trạng này mà không cần điều trị. Tuy
nhiên, nếu không điều trị, một số trẻ sẽ đái dầm suốt đời.
Ảnh minh họa: Dùng đồng hồ cảm ứng có thể giúp bé dần thoát khỏi tè dầm khi ngủ. Ảnh minh họa: Medimanage.com.
|
Phần lớn trẻ em giữ được khô ráo về đêm khi 3-5 tuổi. Trẻ đạt được điều
này nhờ hai cách: Thứ nhất, bàng quang gửi tín hiệu tới não nói rằng
túi đã đầy, não sẽ gửi tín hiệu ngược lại, ra lệnh cho bàng quang giãn
ra để có thể chứa thêm nước tiểu. Thứ hai nếu bàng quang không thể giữ
toàn bộ nước tiểu cho tới sáng, nó sẽ tiếp tục gửi tín hiệu tới não cho
tới khi trẻ thức dậy và đi vệ sinh. Đái dầm xuất hiện nếu trẻ chậm phát
triển một trong hai kỹ năng nói trên.
Đái dầm được chia làm hai loại: tiên phát và thứ phát. Đái dầm tiên
phát là khi trẻ chưa bao giờ có khả năng giữ khô liên tục trong 6 tháng,
đây là dạng đái dầm phổ biến nhất. Đái dầm thứ phát là khi trẻ từng
hoàn toàn khô ráo về đêm trong 6 tháng nhưng sau đó lại đái dầm.
Ở dạng thứ phát, điều mấu chốt là tìm kiếm những thay đổi mới xảy ra:
căng thẳng tâm lý mới xuất hiện (cha mẹ ly dị, chuyển nhà, người thân
qua đời...), thay đổi thể chất (bệnh nhiễm trùng tiết niệu hay tiểu
đường), thay đổi tình huống (thay đổi chế độ ăn uống hay thói quen đi
ngủ). Rõ ràng là có gì đó khác thường. Bước đầu tiên để giải quyết vấn
đề là tìm ra bất kỳ thay đổi nào trong cuộc đời của trẻ.
Dưới đây là 8 nhóm nguyên nhân chính gây đái dầm:
1. Di truyền
Đái dầm tiên phát thường mang tính di truyền. Nếu cha và mẹ từng đái
dầm khi nhỏ, nguy cơ đái dầm của con cái sẽ là 77%. Tỷ lệ này giảm còn
44% nếu chỉ bố hoặc mẹ từng đái dầm, và còn 15% nếu không ai trong cha
mẹ từng đái dầm.
2. Giảm dung tích chức năng bàng quang
Ở nhóm trẻ này, thể tích bàng quang vẫn bình thường nhưng khả năng chứa
nước tiểu lại thấp hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Ban ngày, trẻ phải
đi tiểu thường xuyên hơn, đôi khi phải chạy vội vào nhà vệ sinh để
tránh sự cố. Khả năng giữ nước tiểu qua đêm cũng thấp hơn.
3. Tăng sản xuất nước tiểu về đêm
Ban đêm não sản xuất một loại hoóc môn gọi là vasopressin, giúp làm
giảm lượng nước tiểu sản xuất ở thận, cho phép chúng ta ngủ tới sáng mà
không phải dậy đi tiểu. Sản xuất không đủ hoóc môn này có thể gây đái
dầm.
4. Không thể tỉnh giấc
Một số trẻ đái dầm không có khả năng tỉnh giấc khi bàng quang đạt dung tích tối đa.
5. Táo bón
Khi trực tràng bị đầy, phân có thể ép vào bàng quang, khiến cơ quan này
"hiểu nhầm" và gửi tín hiệu thần kinh tới não như khi bàng quang bị
đầy. Trực tràng đầy phân cũng làm giảm dung tích bàng quang hoặc khiến
trẻ không thể làm rỗng tối đa cơ quan này.
6. Các yếu tố tâm lý
Trẻ có thể bị đái dầm thứ phát sau những căng thẳng đáng kể như chuyển
nhà, chuyển trường, mất người thân, cha mẹ ly dị hay bị lạm dụng tình
dục. Đái dầm thường mất đi khi rắc rối tâm lý được xử lý. Tuy nhiên, cha
mẹ cần nhớ rằng rắc rối tâm lý không gây đái dầm tiên phát.
7. Lạm dụng tình dục
Lạm dụng tình dục có thể là một yếu tố gây đái dầm ở trẻ trước đó không
gặp khó khăn trong vấn đề này. Cần nghĩ tới lạm dụng tình dục nếu thấy
trẻ có các biểu hiện: nhiễm trùng tiết niệu mạn tĩnh, ra nhiều chất tiết
vì bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, ngứa hoặc đau ở bộ
phận sinh dục.
8. Các tình trạng bệnh lý
Đái dầm có thể xuất hiện ở một số bệnh lý như bệnh thiếu hồng cầu hình
liềm, nhiễm trùng tiết niệu, tiểu đường và một số bệnh lý thần kinh.
Nguyên nhân này chỉ chiếm 3% trường hợp đái dầm.
Chọn phương pháp điều trị
Điều trị hiệu quả chứng đái dầm giúp cải thiện đáng kể sự tự tin của
trẻ. Để đạt kết quả cao, có thể phải kết hợp cả điều trị hành vi và dùng
thuốc. Đái dầm tiên phát và thứ phát được điều trị như nhau, trừ khi
xác định được bệnh lý, là thủ phạm gây đái dầm thứ phát.
Trước khi bàn về vấn đề điều trị đái dầm, có hai điểm quan trọng cần
bàn tới. Thứ nhất, cha mẹ cần thông suốt rằng đái dầm không phải hành vi
cố ý. Thứ hai, phần lớn bác sĩ nhi khoa chỉ bàn luận vấn đề đái dầm khi
trẻ 6 tuổi hoặc hơn. Trong điều trị, quan trọng nhất là xác định xem bé
đã sẵn sàng hợp tác hay chưa, điều này đặc biệt quan trọng trong điều
trị hành vi. Nếu bé chưa sẵn sàng hợp tác, việc điều trị cần được trì
hoãn hay đơn giản hóa cho tới khi bé sẵn sàng.
Các dấu hiệu nhận biết bé muốn thoát đái dầm:
Phần lớn trẻ em bắt đầu tỏ ra quan tâm tới vấn đề này lúc 6-7 tuổi. Có 5
dấu hiệu nhận biết con đã sẵn sàng hợp tác để thoát đái dầm:
- Buổi sáng khi thức giấc, bé bắt đầu nhận ra đêm trước mình bị đái dầm và không thích điều này.
- Bé nói không muốn mặc bỉm nữa.
- Bé nói muốn thôi đái dầm ban đêm.
- Bé hỏi xem trong nhà có ai bị đái dầm khi còn nhỏ hay không.
- Bé không muốn phải mặc bỉm vì đái dầm.
Cha mẹ có thể làm gì để con bớt căng thẳng:
- Nhắc bé rằng đái dầm chẳng phải lỗi của ai.
- Nói với bé rằng rất nhiều bạn khác cũng có vấn đề tương tự.
- Không phạt hay làm bé xấu hổ vì tội đái dầm.
- Nhắc nhở các anh chị trong nhà không chế nhạo bé.
- Kể cho bé nghe chuyện người lớn trong gia đình cũng từng đái dầm (nếu có).
- Không làm ầm ĩ khi thấy bé đái dầm.
- Khen ngợi khi bé giúp cha mẹ xử lý hậu quả của đái dầm: giúp mẹ thay ga trải giường, mang đồ bẩn vào phòng giặt...
- Khen ngợi nếu bé có tiến bộ: tỉnh dậy ban đêm để đi tiểu, tè dầm bãi nhỏ hơn, ngủ qua đêm mà không tè dầm...
Các phương pháp điều trị hành vi
1. Hạn chế đồ uống: Hạn chế lượng nước trẻ được uống sau bữa
tối giúp giảm lượng nước tiểu sản xuất vào ban đêm. Tuy nhiên, cũng
không nên tỏ ra quá nghiêm ngặt vì bé có thể hiểu nhầm là đang bị trừng
phạt và sẽ tỏ thái độ thù địch. Cần chú ý cho bé uống đủ nước vào ban
ngày.
2. Đánh thức bé vào ban đêm: Đánh thức và đưa bé vào nhà vệ
sinh vài giờ sau khi đi ngủ. Trong đa số trường hợp, bé sẽ nửa tỉnh nửa
mê khi đi vệ sinh. Một số bác sĩ cho rằng phương pháp này khiến tình
trạng đái dầm trở nên trầm trọng hơn, lý do là thay vì để bé học cách
nhận biết bàng quang đã đầy khi đang ngủ, phương pháp này chỉ tập cho
bàng quang tống nước tiểu ra ngoài vào khoảng thời gian nhất định mỗi
đêm. Một số bác sĩ coi đây là biện pháp đơn giản mà cha mẹ có thể áp
dụng trong khi chờ đợi bé tự thoát khỏi đái dầm.
Cha mẹ cần chú ý khuyến khích bé chịu một phần trách nhiệm cho việc đái
dầm như đi tiểu đều đặn trước khi đi ngủ, để áo quần bị ướt vào chậu
giặt. Động viên và khen thưởng khi bé qua được một đêm khô ráo. Giúp bé
lập lịch theo dõi sự tiến bộ và dán cho bé một tấm hình ngộ nghĩnh cho
mỗi đêm không đái dầm. Tập luyện đúng cách có thể mang lại kết quả tích
cực.
3. Điều trị bàng quang: Khuyến khích bé tăng lượng nước uống
vào ban ngày, nghĩ về cảm giác bàng quang đầy nước tiểu, đáp ứng ngay
với tín hiệu đầu tiên từ bàng quang và đái kiệt mỗi lần tiểu tiện.
4. Đồng hồ báo thức cho trẻ đái dầm: Thiết bị này giúp
đánh thức bé khi bé đái dầm. Nó gồm 2 phần chính: bộ phận cảm nhận ẩm
ướt được cài vào quần lót và chuông để đánh thức bé. Một số thiết bị có
thêm khả năng rung, giúp đánh thức bé hiệu quả hơn.
Khi trẻ đái dầm, nước tiểu sẽ kích hoạt bộ phận cảm biến, làm chuông
kêu to, đánh thức bé dậy đi vệ sinh. Sau nhiều tuần nghe chuông, bé học
được cách nhận biết các tín hiệu của bàng quang và tỉnh dậy trước khi
đái dầm. Bé có thể khỏi đái dầm sau 3 tháng luyện tập.
Nghiên cứu cho thấy đồng hồ báo thức mang lại hiệu quả cao nhất, lên
tới 75%, và tỷ lệ tái phát thấp nhất so với các phương pháp điều trị
chống đái dầm khác. Một nhược điểm của phương pháp này là đòi hỏi rất
nhiều công sức của bé và gia đình. Cả nhà phải thức giấc thường xuyên
vào ban đêm trong suốt thời gian dài, điều không phải ai cũng có thể
chấp nhận.
5. Liệu pháp tâm lý: Đây là lựa chọn cho trẻ đái dầm thứ
phát do những thay đổi hay chấn thương tâm lý trong cuộc đời, hoặc cho
trẻ quá mất tự tin vì tật đái dầm.
Điều trị bằng thuốc
Có một vài loại thuốc được sử dụng để điều trị đái dầm. Có thể dùng
thuốc đơn độc hoặc kết hợp với điều trị hành vi. Thuốc không mang lại
hiệu quả kéo dài và đa số trẻ đái dầm trở lại khi ngừng thuốc, vì vậy
bác sĩ thường khuyến cáo cho trẻ dùng thuốc trong thời gian ngắn, hoặc
dùng với mục đích kiểm soát triệu chứng nếu các biện pháp khác đều thất
bại.
- Desmopressin (Minirin): Có tác dụng ức chế thận sản xuất nước tiểu;
thuốc hiệu quả ở 50% bệnh nhân. Thuốc cần được sử dụng một cách thận
trọng theo hướng dẫn của bác sĩ vì tiềm ẩn nguy cơ tác dụng phụ nguy
hiểm.
Năm 2013, Khoa Thận Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành thử nghiệm sử dụng cho
35 trẻ đái dầm tiên phát. Kết quả cho thấy, điều trị bằng Minirin mang
lại tỷ lệ thành công cao nhất sau 3 tháng (70,8%), đau đầu xuất hiện ở
17% trẻ dùng thuốc.
- Imipramine: Là một loại thuốc chống trầm cảm nhưng có tác động lên
bàng quang, thuốc hiệu quả ở 40% bệnh nhân. Đáng lo ngại là sự chênh
lệch quá nhỏ giữa liều hiệu quả và liều gây độc. Imipramine là một trong
những nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ tử vong vì ngộ độc ở Anh. Trẻ
có thể chết vì vô tình dùng thuốc quá liều. Một số bác sĩ cho rằng
thuốc không đủ an toàn để sử dụng trong các bệnh lành tính như đái dầm.
- Oxybutynin: Là thuốc kháng tiết cholin, có tác dụng chống co thắt,
thường được kê cho bệnh nhân có bàng quang hoạt động quá độ. Những bệnh
nhân này bị co thắt bàng quang không thể kiểm soát, phải đi tiểu liên
tục, mót tiểu đột ngột không có dấu hiệu báo trước. Trẻ có bàng quang
hoạt động quá mức thường đái dầm nhiều hơn một lần mỗi đêm và cũng đái
dầm cả ban ngày. Hiệu quả của Oxybutynin trong đái dầm không cao nhưng
nếu sử dụng kết hợp với đồng hồ báo thức hay desmopressin, nó giúp làm
thư giãn bàng quang đủ để các biện pháp kia trở nên hiệu quả hơn.
Các biện pháp không chính thống
Các biện pháp điều trị như châm cứu, thôi miên, dùng thuốc tolterodine,
atomoxetine không được coi là tiêu chuẩn vì chưa được nghiên cứu đầy
đủ.
Không có nhận xét nào
Đăng nhận xét