Bệnh zona thần kinh (giời leo) là gì?
Zona thần kinh, hay còn có tên gọi dân dã hơn là giời leo, là bệnh nhiễm trùng do virus Varicella-zoster gây ra. Đó cũng là loại virus gây ra bệnh thủy đậu. Ngay cả sau khi bạn đã hết thủy đậu, virus vẫn có thể sống trong hệ thần kinh trong nhiều năm trước khi tái hoạt lại gây ra bệnh zona. Bệnh zona cũng có thể được gọi là herpes zoster.
Đây là bệnh nhiễm trùng do virus được đặc trưng bởi dấu hiệu phát ban da màu đỏ gây đau và rát. Bệnh zona thường có biểu hiện là một dải mụn nước ở một bên của cơ thể, thường xuất hiện trên thân, cổ hoặc mặt. Căn bệnh này thường không đe dọa đến tính mạng nhưng có thể gây đau đớn, khó chịu.
Tiêm vắc-xin có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh zona và điều trị sớm có thể giúp rút ngắn thời gian nhiễm bệnh và giảm nguy cơ gặp phải biến chứng nghiêm trọng.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh zona thần kinh (giời leo) là gì?
Các triệu chứng zona thần kinh đầu tiên và đáng chú ý nhất thường là đau, nóng rát da. Đa số trường hợp, cơn đau chỉ xảy ra ở một bên cơ thể và xuất hiện từng mảng phát ban đỏ trên da. Các biểu hiện của tình trạng phát ban bao gồm:
- Xuất hiên các mảng đỏ
- Có mụn nước chứa đầy dịch và dễ vỡ
- Phát ban khu trú xung quanh từ cột sống đến thân mình
- Phát ban trên mặt và tai
- Ngứa
Một số người có các dấu hiệu và triệu chứng khác ngoài đau, phát ban, bao gồm:
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Hãy đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám nếu bạn có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh zona, nhất là trong các trường hợp sau:
- Tình trạng phát ban và đau diễn ra ở gần mắt. Nếu không điều trị kịp thời, nhiễm trùng có khả năng gây tổn thương đến mắt vĩnh viễn.
- Lớn hơn 60 tuổi. Tuổi càng cao thì nguy cơ gặp phải biến chứng cũng tăng lên.
- Có hệ thống miễn dịch yếu (do mắc bệnh ung thư, sử dụng một số thuốc hay có bệnh mạn tính).
- Phát ban da ngày càng lan rộng và gây đau dữ dội.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh zona thần kinh (giời leo) là gì?
Bệnh zona là một bệnh do virus Varicella-zoster, cũng là virus gây bệnh thủy đậu. Bất kỳ ai bị bệnh thủy đậu đều có thể mắc bệnh zona. Sau khi phục hồi từ bệnh thủy đậu, virus sau đó có thể xâm nhập vào hệ thần kinh và ở trạng thái “ngủ” trong đó nhiều năm. Cuối cùng, nó có thể kích hoạt lại và đi dọc theo đường thần kinh đến da và tạo ra các mụn nước.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết được lý do virus tái hoạt trở lại là gì, có thể là do khả năng miễn dịch của cơ thể bị suy giảm khi bạn già đi. Varicella-zoster là một phần trong nhóm virus herpes, bao gồm các loại virus gây mụn rộp và herpes sinh dục. Tuy nhiên, virus gây bệnh thủy đậu và bệnh zona không phải là virus gây ra mụn rộp hoặc herpes sinh dục.
Những ai thường mắc phải bệnh zona thần kinh (giời leo)?
Hầu hết trường hợp, bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 2–3 tuần. Tình trạng này hiếm khi xảy ra nhiều hơn một lần ở một người. Bệnh zona thường gặp ở người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch kém.
Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh?
Một số yếu tố điển hình có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Độ tuổi. Bệnh zona thường gặp nhất ở những người lớn hơn 50 tuổi. Nguy cơ này tăng theo tuổi tác. Một số chuyên gia ước tính rằng khoảng 50% người từ 80 tuổi trở lên sẽ mắc phải căn bệnh này.
- Một số bệnh nhất định. Bệnh có hệ miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như bị HIV/AIDS và ung thư, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona.
- Điều trị ung thư. Xạ trị hoặc hóa trị có thể làm giảm sức đề kháng với bệnh và có thể gây ra bệnh zona.
- Thuốc. Thuốc có tác dụng ngăn ngừa thải ghép có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona nếu sử dụng lâu dài, chẳng hạn như thuốc steroid prednisone.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh zona thần kinh?
Hầu hết các ca bệnh có thể được chẩn đoán bằng khám lâm sàng. Do đó, nếu bác sĩ nghi ngờ bạn mắc bệnh zona, họ sẽ thực hiện khám ban đỏ và mụn nước. Họ có thể yêu cầu một số xét nghiệm trong vài trường hợp và hỏi bệnh sử.
Trong một số ít trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu để kiểm tra một mẫu da hoặc các chất dịch trong mụn nước. Bác sĩ sẽ sử dụng một tăm bông vô trùng để thu thập một mẫu mô hoặc chất dịch. Các mẫu này sau đó được gửi đến phòng thí nghiệm để xác nhận sự hiện diện của virus.
Những phương pháp nào dùng để điều trị zona thần kinh?
Đáng chú ý là cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị đẻ chữa zona thần kinh. Tuy nhiên. việc điều trị kịp thời bằng các thuốc kháng virus theo toa có thể tăng tốc độ lành bệnh và giảm nguy cơ biến chứng. Những thuốc này bao gồm:
- Acyclovir
- Valacyclovir
- Famciclovir
Bệnh zona có thể gây ra cơn đau nặng, do đó bác sĩ có thể kê đơn:
- Kem capsaicin
- Thuốc chống co giật, như gabapentin
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng, chẳng hạn như amitriptyline
- Thuốc tê như lidocain, dạng kem, gel, thuốc xịt hay miếng dán
- Các chế phẩm có chứa thuốc giảm đau gây nghiện như codeine
- Thuốc tiêm bao gồm corticosteroid và thuốc tê tại chỗ
Biến chứng
Các biến chứng zona thần kinh (giời leo) là gì?
Người bệnh có thể gặp phải các biến chứng dưới đây khi mắc phải căn bệnh này:
- Đau thần kinh sau zona. Một số người vẫn tiếp tục cảm thấy đau trong một thời gian dài, sau khi các mụn nước đã biến mất. Tình trạng này được gọi là đau thần kinh sau zona, xảy ra khi các dây thần bị tổn thương và gửi các tín hiệu đau quá mức từ da đến não bộ.
- Mất thị lực. Bệnh zona ở trong hoặc xung quanh mắt có thể dẫn đến nhiễm trùng mắt nặng. Điều này có khả năng gây mất thị lực.
- Các vấn đề thần kinh. Tùy thuộc vào dây thần kinh nào bị ảnh hưởng, bệnh zona có thể gây ra viêm não, liệt mặt hoặc có vấn đề về thính giác hay giữ thăng bằng.
- Nhiễm trùng da. Nếu các mụn nước ở người bệnh không được điều trị đúng cách, nhiễm trùng da do vi khuẩn xâm nhập có thể hình thành.
Bệnh zona thần kinh (giời leo) có lây không?
Zona thần kinh hay giời leo không phải là một bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, một người chưa từng bị thủy đậu hoặc chưa tiêm vắc-xin có thể bị nhiễm virus từ người bệnh zona, sau đó phát triển thành bệnh thủy đậu rồi tiến triển đến zona thần kinh. Virus có thể lây truyền khi bạn tiếp xúc với dịch bên trong các mụn nước bị vỡ ra ở người bệnh. Trước và sau khi xuất hiện mụn nước, khả năng lây truyền virus hầu như không có.
Nếu bệnh zona không phát trriển trong khoang miệng, virus sẽ không có khả năng lây truyền qua các giọt bắn hô hấp khi người bệnh ho hay hắt hơi.
Các bác sĩ khuyến cáo trẻ em nên tiêm phòng đầy đủ để phòng ngừa bệnh thủy đậu và giời leo. Người trưởng thành từng bị thủy đậu vẫn có thể tiêm vắc-xin để ngăn ngừa phát triển thành zona sau này.
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh zona thần kinh?
Bạn hãy tắm nước mát hoặc sử dụng gạc mát, ướt đắp lên các bóng nước để có thể giảm ngứa và đau. Ngoài ra, nếu có thể, bạn hãy cố gắng giảm căng thẳng trong cuộc sống.
Bệnh zona thần kinh kiêng ăn gì?
Người bệnh zona hay giời leo nên kiêng một số thực phẩm sau:
- Chất béo: những thực phẩm giàu chất béo chỉ làm cho tình trạng viêm nghiêm trọng hơn và thời gian lành bệnh lâu hơn.
- Đồ uống có cồn như rượu, bia: đồ uống có cồn sẽ ngăn cản hệ thống miễn dịch, làm cho virus gây bệnh lây lan nhanh hơn.
- Các loại hạt cây, các sản phẩm được chế biến từ đậu nành, sô cô la, yến mạch, mầm lúa mì, dừa, bột mì trắng và gelatin.
- Ngũ cốc tinh chế: những loại thực phẩm này sẽ làm tăng lượng đường trong máu, tăng nguy cơ bị nhiễm trùng và làm vết thương lâu lành hơn.
Bệnh zona thần kinh nên ăn gì?
Những thực phẩm tốt cho người bệnh zona và nên bổ sung mỗi ngày gồm:
- Thực phẩm giàu lysine: có nhiều trong sữa, các sản phẩm từ sữa, cá, các loại đậu, pho mát, thịt gà,…
- Thực phẩm giàu kẽm và vitamin C
- Cam thảo
- Vitamin B6, B12
Social Buttons