Latest News

Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

Bệnh tai biến mạch máu não

Cuộc sống công nghiệp đang làm “trẻ hóa” bệnh Tai biến mạch máu não, không còn chỉ những cụ ông, cụ bà 50-60 tuổi phải nhập viện, những bệnh nhân trẻ tuổi hơn rất nhiều cũng lần lượt xuất hiện. Số bệnh nhân nội trú vì bệnh Tai biến mạch máu não tăng 1.7 – 2.5% mỗi năm trong 3 năm trở lại đây.
 Cuộc sống công nghiệp trong thành phố khiến cho cuộc sống của đa số dân cư thành thị có thay đổi đáng kể nhất là vài năm trở lại đây. Bia, rượu cộng với thức ăn chứa nhiều dầu, mỡ như phô-mai, lòng đỏ trứng, thịt, lạp xường và các chất béo khác được sử dụng quá nhiều  và những cơn stress do công việc căng thẳng, bệnh tiểu đường và các thuốc ngừa thai chính là những yếu tố gây tăng nguy cơ bị Tai biến mạch máu não.
 
 Tai biến mạch máu não vẫn luôn là vấn đề lớn của ngành Thần kinh học Việt Nam do số lượng tử vong do bệnh này luôn ở mức cao. Hãy cùng tìm hiểu về bệnh tai biến mạch máu não để cùng phòng và tránh.
 1. Tai biến mạch não là gì?
Tai biến mạch não hay đột quỵ (stroke) là thuật ngữ chỉ các bệnh mạch máu não như thiếu máu não (Ischemia) do vữa xơ chít hẹp tắc nghẽn các động mạch não; chảy máu não (hemorrhagia) do các động mạch đó và các cục huyết khối nghẽn tắc tại gây vỡ mạch tạo ra. Ở vùng não bị thiếu máu, chảy máu tế bào thần kinh bị thương tổn thương hủy hoại, còn gọi là nhũn não. Hậu quả là các giác quan, các vùng cơ thể do vùng não bị thiếu máu, chảy máu chi phối cũng bị tổn thương hủy hoại tạo ra các triệu chứng bệnh lý như tê liệt nửa người, mù, điếc, nói ngọng, v.v…
Mỗi năm, nước ta có khoảng 200.000 người bị tai biến mạch não, trong đó khoảng 1000 người chết. Số người bị di chứng mù, liệt, tàn phế là rất cao, với những hệ lụy cho bản thân, gia đình và xã hội trong sinh sống, chăm nom, chữa trị. Tổ chức y tế thế giới xếp tai biến mạch não ở vị trí thứ hai trong các bệnh gây tử vong cao hiện nay.
2. Các triệu chứng thường thấy khi gặp tai biến
Nghẽn tắc mạch do xơ vữa động mạch
Là căn nguyên thông thường nhất của đột quỵ (stroke) thường có các triệu chứng: nhìn mờ, mất thị giác tạm thời một mắt, nói khó nói lắp, tê bại, ỉa đái không tự chủ, được quy thành 4 hội chứng sau:
- Tê bại (nhẹ) hoặc liệt nửa người 66%
- Rối loạn ngôn ngữ (nói khó nói lắp), tay chân lóng ngóng 20%
- Chỉ có các rối loạn cảm giác: tê, bỏng…10%
- Hội chứng thất điều nửa người (tay chân một bên rối loạn hiệp điều khi vận động đi lại, cầm nắm) 4%
Chảy máu não (Hemorrhagia)
Đau đầu và đau sau hố mắt dữ dội, cứng gáy, buồn nôn, co hoặc giãn đồng tử, liệt nửa người và nhanh chóng đi vào hôn mê. Bằng cách thăm khám hệ thống về thần kinh, các thày thuốc lâm sàng chuyên khoa sẽ xác định được vị trí nơi chảy máu.
 3. Nguyên nhân gây tai biến

 Tai biến mạch máu não (TBMMN) là bệnh lý của lứa tuổi trung niên và người cao tuổi. Những người trên 55 tuổi sẽ có nguy cơ TBMMN, tuổi càng cao thì tỷ lệ TBMMN càng cao, ở nam giới sẽ dễ bị hơn ở nữ giới. Những người có các yếu tố nguy cơ bị TBMMN nhiều hơn là:
- Người bị huyết áp cao
- Người có các bệnh tim mạch như hẹp van 2 lá, rung nhĩ
- Người bị đái tháo đường
- Người béo phì tăng cân, rối loạn chuyển hóa, tăng mỡ máu
- Nghiện hút (cả thuốc lá, bia rượu)
- Phụ nữ vừa hút thuốc lại dùng thuốc tránh thai
- Làm việc dưới áp lực cao vê tinh thần thể lực, có các sang chấn về tinh thần kinh lớn.


4. Các giải pháp cho TBMMN
Như đối với các bệnh thường gặp theo lứa tuổi và các yếu tố nguy cơ chưa bị bệnh béo phì thì chủ động dự phòng, nếu có bệnh phải được chẩn đoán điều trị nhanh chóng kịp thời. Các chuyên gia về bệnh học thần kinh đã đề xuất các giải pháp rất cụ thể có hiệu quả đối với TBMMN.
Phòng ngừa tai biến mạch máu não bằng cách:
- Điều trị tốt bệnh tăng huyết áp.
- Điều trị tốt bệnh đái tháo đường vì đây là yếu tố nguy cơ chủ yếu của mảng xơ mỡ động mạch lớn và gây thiếu máu lên não.
- Điều trị tình trạng rối loạn mỡ trong máu.
- Dùng thuốc chống đông trong trường hợp bị rung nhĩ.
- Điều trị và dùng thuốc chống đông trong trường hợp đa hồng cầu.
- Ngừng hút thuốc lá.
- Không uống quá nhiều rượu.
- Tập thể dục chơi thể thao thường xuyên, điều chỉnh tập quán sinh hoạt làm việc nghỉ ngơi phù hợp.
- Chống béo phì tăng cân.
 5. Chăm sóc người bệnh tai biến mạch máu não:

- Tình trạng liệt cơ hầu họng làm nuốt khó, dễ bị sặc khi ăn uống, gây tai biến hít vào phổi. Trường hợp nhẹ thì viêm phổi, nặng hơn là nghẹt đường hô hấp gây ngừng thở và tử vong. Khi cho ăn thức ăn nên xay nhuyễn, lỏng dễ nuốt nhưng cần nhớ là phải chứa đầy đủ chất dinh dưỡng. Nếu tình trạng ăn dễ sặc, bác sĩ sẽ cho đặt ống ăn từ mũi xuống dạ dày.

- Loét xương cụt dễ xảy ra vì bệnh nhân bị liệt nằm một chỗ, không tự xoay trở được và tình trạng tai biến làm rối loạn thần kinh mạch máu dinh dưỡng da. Vì vậy người chăm sóc nên xoay trở bệnh nhân thường xuyên.

- Nhiễm trùng phổi hay gặp vì tình trạng liệt làm người bệnh nằm nhiều không thể hít thở sâu được, cộng với sự tiết nhiều đàm nhớt làm cho phổi thường xuyên bị ứ đọng các chất tiết này dễ dẫn đến viêm phổi. Để tránh những biến chứng này, người chăm sóc nên đỡ người bệnh ngồi dậy, nhắc người bệnh hít thở sâu và vỗ lưng. Vỗ lưng là việc làm rất đơn giảm mà có hiệu quả. Cách vỗ lưng đúng như sau: đỡ người bệnh ngồi dậy xếp kín các ngón tay, lòng bàn tay hơi khum, vỗ đều 2 bên lưng từ giữa lưng lên 2 vai. Tránh động tác sai là xòe bàn tay đánh vào lưng người bệnh.

- Đau khớp vai bên bị liệt: khi ngồi trọng lượng cánh tay kéo khớp vai sệ xuống và khi đỡ ngồi người nhà hay nắm tay bên liệt kéo bệnh nhân ngồi dậy dẫn đến dãn khớp vai. Để tránh các biến chứng này, các bạn nên treo tay bên liệt bằng miếng vải đỡ hình tam giác hay dùng một khăn lông lớn. Khi đỡ ngồi thì nâng phía sau cổ không nên kéo tay bên liệt.

Bệnh trầm cảm


Bác sĩ Phạm Văn Trụ, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP HCM cho biết, lứa tuổi nào cũng thể mắc bệnh, nữ nhiều hơn nam 2 lần. Thiếu niên cũng mắc nhưng cách thể hiện có phần khác người lớn. Người cao tuổi dễ bị trầm cảm và thường bị bỏ quên.
Trầm cảm là trạng thái buồn rầu, chán nản, không còn hứng thú gì trong cuộc sống, ngủ không ngon, ăn nhạt miệng, làm việc không xong tới chót, mặc cảm thua kém, khi rầu rĩ lâu ngày hay nghĩ đến cái chết. Ngoài ra, bệnh nhân hay kèm lo lắng, nặng đầu đau mỏi vai gáy, ép ngực hồi hộp, tay chân lạnh…
Ảnh: mannaexpress
Ảnh: mannaexpress
Theo bác sĩ Trụ, những biểu hiện thường gặp ở người trầm cảm
Nét mặt trầm buồn, chán nản, cảm thấy cô độc, lẻ loi.
Mất thích thú trong cuộc sống. Đi đứng chậm, cảm giác nặng nề, mệt mỏi, như không còn sức khỏe làm việc, làm nhẹ cũng mau mệt, không thích gần vợ gần chồng, thấy mọi người, con cháu vui chơi cũng không quan tâm.
Ăn ít, không ngon, nhạt miệng.
 Trằn trọc khó ru ngủ, thức dậy sớm, thèm ngủ mà không ngủ được, đôi khi ngủ được mà thức dậy không khỏe.
-  Đầu óc khó tập trung, do dự không "quyết" được, không đối phó được.
 Hay than nhức đầu, mỏi cổ, mỏi gáy, hồi hộp ép ngực, xoa bóp tay chân vì nhức mỏi, khám bác sĩ đa khoa hay tự mua thuốc uống không hết.
 Có người có cảm giác lo lắng vô cớ, ám ảnh bệnh tật vô lý, có từng cơn sợ sệt nhưng lại dễ giận.
Người còn đi làm thì giao tiếp miễn cưỡng, né tránh lời thăm hỏi, gắng gượng làm hết việc, đãng trí, cảm thấy bế tắc.
Tự nghĩ chán đời như có lỗi với người thân với gia đình, thua người ta, không bằng người ta, trở nên vô dụng, không đáng sống, nghĩ và đôi khi tìm cách chết.
Một số hoàn cảnh dễ dẫn tới trầm cảm
 "Sang chấn tinh thần", những cú "sốc" như mất người thân, áp lực công việc, khó khăn quá lớn, gãy đổ sự nghiệp, bất hòa kéo dài.
 Học sinh, sinh viên quá nhiều bài vở, hẫng hụt, xuống sức học rồi đuối dần.
 Người lớn tuổi biểu hiện phiền muộn đau đớn, chậm chạp, ít nói, quên lẫn; dễ lầm với bệnh già.
Người đã qua một thời gian hưng cảm: quá tự tin, không cần ngủ, nói nhanh, bốc đồng "tài ba dỏm" (bệnh nhân loạn khí sắc lưỡng cực). Người bệnh tâm thần phân liệt cũng có thời gian bị trầm cảm.
Ngay sau sinh con, tỷ lệ không nhiều nhưng khá trầm trọng, phải phát hiện sớm.
Điều cần làm khi thấy triệu chứng trầm cảm
 Không coi nhẹ triệu chứng trầm cảm, hãy kể hết triệu chứng cho bạn bè, cho người thân.
Khi phát hiện người bị trầm cảm phải trấn an, tìm hiểu, tìm cách quan tâm và giúp đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm sẽ tránh được cơn trầm uất, thất thần quẫn trí.
Khám bác sĩ chuyên khoa, uống thuốc rồi cũng phải theo dõi đề phòng triệu chứng nặng thêm.
Lời khuyên khi đi khám bác sĩ
 Nếu bệnh nhân đã tìm cách quyên sinh rồi thì phải “cấp cứu” bệnh viện gần nhất.
- Cần đi khám và điều trị ở bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Đừng mất thời gian uống thuốc từ bác sĩ không đúng chuyên khoa.
- Bác sĩ chuyên khoa tư vấn giải thích đúng cơ chế, có kinh nghiệm chọn thuốc chống trầm cảm, biết dùng thuốc điều chỉnh khí sắc và lường trước tác dụng phụ của thuốc. Có nhiều loại thuốc chống trầm cảm, chọn đúng, dùng đúng chiến lược, bài bản mới giúp tỷ lệ khỏi bệnh cao, ít tái diễn.

Bệnh hysteria

Đây là một dạng rối loạn tâm thần kinh được y học mô tả từ rất lâu. Người bệnh sẽ có các triệu chứng: thở nhanh, ngất xỉu hoặc ngủ mê.
Dạo gần đây, chị Thanh (30 tuổi) hay cảm thấy mệt mỏi, uể oải, dễ xúc động và hay khóc một mình. Sau khi sinh con, vừa chăm con vừa đi làm nên chị ngày càng thiếu ngủ. Hơn nữa, chị chẳng thể làm quen với giấc ngủ trưa do công việc bề bộn, đặt mình xuống mà mọi việc vẫn còn lẩn quẩn xung quanh nên chị không tài nào chợp mắt. Chị cảm thấy thần kinh của mình "có vấn đề". Chị hay bị choáng, dễ giật mình, nhất là khi chạy xe máy trên đường. Trong một lần tranh cãi gay gắt với chồng, chị quá xúc động, đột nhiên thở nhanh rồi ngất xỉu. Sau đó, chị khỏe lại bình thường như... chưa có chuyện gì xảy ra. Theo các bác sĩ, đây chính là biểu hiện của bệnh hysteria (ngất tạm thời).

Hysteria gặp chủ yếu ở nữ
Bệnh xảy ra đột ngột, biểu hiện đa dạng và sau đó, bệnh nhân lại bình thường. Do đó, nhiều người vẫn nghi ngờ hysteria có thật sự là bệnh hay không. Ngay cả những bác sĩ điều trị, nếu chưa có kinh nghiệm, cũng rất dễ chẩn đoán nhầm bệnh vì không có bằng chứng về cận lâm sàng để chứng minh.

Hysteria là một tình trạng bệnh rối loạn tâm thần kinh được mô tả từ rất lâu. Y học hiện đại xếp hysteria vào nhóm bệnh loạn thần phân ly. Tần suất bệnh gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới khoảng 10 lần do phụ nữ trẻ có hệ thần kinh nhạy cảm, nhân cách yếu, thiếu sự chịu đựng thường dễ mắc bệnh. Đôi khi, bệnh cũng xuất hiện ở trẻ em được nuông chiều quá mức.

Biểu hiện nổi bật nhất của bệnh là cơn hysteria với các triệu chứng như: thở nhanh, ngất xỉu, hay một số biểu hiện khác như: ngất, ngủ lịm. Đôi lúc, hysteria chỉ là những rối loạn về vận động, cảm xúc, giác quan hay dị cảm... Cơn hysteria xuất hiện khi hệ thần kinh cao cấp bị kích thích quá độ, làm mất sự điều chỉnh bình thường của hệ vỏ não cao cấp. Cơn khởi phát sau sang chấn tâm thần kinh, lo sợ, tức giận...

Bệnh có thể xuất hiện tập thể
Bệnh thường xuất hiện từng cá thể, nhưng đôi lúc cũng gây ảnh hưởng cho những người có hệ thần kinh yếu, chịu chung hoàn cảnh sang chấn, làm nhiều người cùng bị bệnh tập thể. Tuy nhiên, hysteria không phải là bệnh lây nhiễm. Do chưa có những cận lâm sàng chứng minh nên xác định bệnh hysteria là chẩn đoán loại trừ các nguyên nhân thực thể khác.

Các cách chăm sóc người bệnh: Khi có người bị bệnh hysteria, bạn nên có thái độ ứng xử thích hợp như
- Chăm sóc ân cần, chu đáo nhưng tự tin, không ủy mị làm ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh.
- Để người bệnh nằm trên giường rộng, tránh bị ngã khi xoay trở. Tránh nằm gần những vật cứng, dễ vỡ. Nơi nằm nên có không khí thoáng mát.
- Giải thích, trấn an cho bệnh nhân và khuyên họ hít thở đều.
- Nếu mọi việc qua đi an toàn và đã được kiểm soát tốt, bạn chỉ cần chăm sóc người bệnh tại nhà.
- Nếu cơn kéo dài, bạn cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc tốt hơn. Tại đây, người bệnh được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý, trợ giúp thở ô-xy, điều chỉnh các bệnh nên phối hợp nếu có, dùng thêm các loại thuốc an thần.
- Phòng bệnh bằng phối hợp giảng dạy tâm lý và chăm sóc sức khỏe học đường, cân đối áp lực học tập, vui chơi, làm việc, nghỉ ngơi, loại trừ các yếu tố gây căng thẳng.
- Bệnh nhân hồi phục nhanh, nhưng bệnh dễ tái phát khi tiếp cận với những hoàn cảnh tương tự. Muốn cải thiện, người bệnh cần tập tính chịu đựng, tập luyện nhân cách vững vàng trong các môi trường khác nhau.

Bệnh đái dầm ở trẻ em

Một nghiên cứu chỉ ra 22% bố mẹ có con đái dầm nghĩ do bé lười biếng. Thực tế đái dầm không liên quan gì với sự căng thẳng, thiếu tự tin...
Đái dầm là rắc rối phổ biến ở trẻ em. Không phải là bệnh lý nghiêm trọng nhưng nó khiến trẻ gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp xã hội và có thể dẫn tới sự căng thẳng cao độ trong gia đình. Tác động tâm lý tiêu cực nhất của đái dầm là làm xói mòn lòng tự tin ở trẻ. Khi mắc chứng bệnh này, đa số trẻ nghĩ mình có điều gì đó không ổn. Nhiều bé tin đó là sự trừng phạt cho những suy nghĩ hay việc làm sai lầm của bản thân. Tương tự như vậy, nhiều phụ huynh cũng tự trách mình không giỏi làm cha mẹ.
Cảm giác tội lỗi càng bị đẩy cao nếu bạn bè hay người thân cho rằng sự bất ổn về tâm lý là nguyên nhân khiến bé đái dầm. Sự căng thẳng và mệt mỏi kéo dài có thể khiến cha mẹ nổi nóng, thậm chí còn trừng phạt khi con đái dầm. Hiểu thấu đáo nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp cha mẹ tìm ra những biện pháp điều trị hiệu quả.
Đái dầm là tình trạng tiểu tiện không tự chủ trong khi ngủ. Nói chung đái dầm ở trẻ dưới 5 tuổi không phải điều đáng lo ngại vì lúc này trẻ vẫn đang hoàn thiện khả năng kiểm soát bàng quang.
Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy khoảng 9% trẻ em trong cộng đồng mắc chứng đái dầm. Khi lên 5 tuổi, khoảng 20% trẻ em mắc chứng này, tỷ lệ giảm xuống còn 1% ở tuổi 16. Đái dầm tự khỏi cùng với thời gian, mỗi năm khoảng 15% trẻ thoát khỏi tình trạng này mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu không điều trị, một số trẻ sẽ đái dầm suốt đời.
Bedwetting-2-7242-1404958855.jpg
Ảnh minh họa: Dùng đồng hồ cảm ứng có thể giúp bé dần thoát khỏi tè dầm khi ngủ. Ảnh minh họa: Medimanage.com.
Phần lớn trẻ em giữ được khô ráo về đêm khi 3-5 tuổi. Trẻ đạt được điều này nhờ hai cách: Thứ nhất, bàng quang gửi tín hiệu tới não nói rằng túi đã đầy, não sẽ gửi tín hiệu ngược lại, ra lệnh cho bàng quang giãn ra để có thể chứa thêm nước tiểu. Thứ hai nếu bàng quang không thể giữ toàn bộ nước tiểu cho tới sáng, nó sẽ tiếp tục gửi tín hiệu tới não cho tới khi trẻ thức dậy và đi vệ sinh. Đái dầm xuất hiện nếu trẻ chậm phát triển một trong hai kỹ năng nói trên.
Đái dầm được chia làm hai loại: tiên phát và thứ phát. Đái dầm tiên phát là khi trẻ chưa bao giờ có khả năng giữ khô liên tục trong 6 tháng, đây là dạng đái dầm phổ biến nhất. Đái dầm thứ phát là khi trẻ từng hoàn toàn khô ráo về đêm trong 6 tháng nhưng sau đó lại đái dầm.
Ở dạng thứ phát, điều mấu chốt là tìm kiếm những thay đổi mới xảy ra: căng thẳng tâm lý mới xuất hiện (cha mẹ ly dị, chuyển nhà, người thân qua đời...), thay đổi thể chất (bệnh nhiễm trùng tiết niệu hay tiểu đường), thay đổi tình huống (thay đổi chế độ ăn uống hay thói quen đi ngủ). Rõ ràng là có gì đó khác thường. Bước đầu tiên để giải quyết vấn đề là tìm ra bất kỳ thay đổi nào trong cuộc đời của trẻ.
Dưới đây là 8 nhóm nguyên nhân chính gây đái dầm:
1. Di truyền
Đái dầm tiên phát thường mang tính di truyền. Nếu cha và mẹ từng đái dầm khi nhỏ, nguy cơ đái dầm của con cái sẽ là 77%. Tỷ lệ này giảm còn 44% nếu chỉ bố hoặc mẹ từng đái dầm, và còn 15% nếu không ai trong cha mẹ từng đái dầm.
2. Giảm dung tích chức năng bàng quang
Ở nhóm trẻ này, thể tích bàng quang vẫn bình thường nhưng khả năng chứa nước tiểu lại thấp hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Ban ngày, trẻ phải đi tiểu thường xuyên hơn, đôi khi phải chạy vội vào nhà vệ sinh để tránh sự cố. Khả năng giữ nước tiểu qua đêm cũng thấp hơn.
3. Tăng sản xuất nước tiểu về đêm
Ban đêm não sản xuất một loại hoóc môn gọi là vasopressin, giúp làm giảm lượng nước tiểu sản xuất ở thận, cho phép chúng ta ngủ tới sáng mà không phải dậy đi tiểu. Sản xuất không đủ hoóc môn này có thể gây đái dầm.
4. Không thể tỉnh giấc
Một số trẻ đái dầm không có khả năng tỉnh giấc khi bàng quang đạt dung tích tối đa.
5. Táo bón
Khi trực tràng bị đầy, phân có thể ép vào bàng quang, khiến cơ quan này "hiểu nhầm" và gửi tín hiệu thần kinh tới não như khi bàng quang bị đầy. Trực tràng đầy phân cũng làm giảm dung tích bàng quang hoặc khiến trẻ không thể làm rỗng tối đa cơ quan này.
6. Các yếu tố tâm lý
Trẻ có thể bị đái dầm thứ phát sau những căng thẳng đáng kể như chuyển nhà, chuyển trường, mất người thân, cha mẹ ly dị hay bị lạm dụng tình dục. Đái dầm thường mất đi khi rắc rối tâm lý được xử lý. Tuy nhiên, cha mẹ cần nhớ rằng rắc rối tâm lý không gây đái dầm tiên phát.
7. Lạm dụng tình dục
Lạm dụng tình dục có thể là một yếu tố gây đái dầm ở trẻ trước đó không gặp khó khăn trong vấn đề này. Cần nghĩ tới lạm dụng tình dục nếu thấy trẻ có các biểu hiện: nhiễm trùng tiết niệu mạn tĩnh, ra nhiều chất tiết vì bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, ngứa hoặc đau ở bộ phận sinh dục.
8. Các tình trạng bệnh lý
Đái dầm có thể xuất hiện ở một số bệnh lý như bệnh thiếu hồng cầu hình liềm, nhiễm trùng tiết niệu, tiểu đường và một số bệnh lý thần kinh. Nguyên nhân này chỉ chiếm 3% trường hợp đái dầm.
Chọn phương pháp điều trị
Điều trị hiệu quả chứng đái dầm giúp cải thiện đáng kể sự tự tin của trẻ. Để đạt kết quả cao, có thể phải kết hợp cả điều trị hành vi và dùng thuốc. Đái dầm tiên phát và thứ phát được điều trị như nhau, trừ khi xác định được bệnh lý, là thủ phạm gây đái dầm thứ phát.
Trước khi bàn về vấn đề điều trị đái dầm, có hai điểm quan trọng cần bàn tới. Thứ nhất, cha mẹ cần thông suốt rằng đái dầm không phải hành vi cố ý. Thứ hai, phần lớn bác sĩ nhi khoa chỉ bàn luận vấn đề đái dầm khi trẻ 6 tuổi hoặc hơn. Trong điều trị, quan trọng nhất là xác định xem bé đã sẵn sàng hợp tác hay chưa, điều này đặc biệt quan trọng trong điều trị hành vi. Nếu bé chưa sẵn sàng hợp tác, việc điều trị cần được trì hoãn hay đơn giản hóa cho tới khi bé sẵn sàng.
Các dấu hiệu nhận biết bé muốn thoát đái dầm:
Phần lớn trẻ em bắt đầu tỏ ra quan tâm tới vấn đề này lúc 6-7 tuổi. Có 5 dấu hiệu nhận biết con đã sẵn sàng hợp tác để thoát đái dầm:
Buổi sáng khi thức giấc, bé bắt đầu nhận ra đêm trước mình bị đái dầm và không thích điều này.
Bé nói không muốn mặc bỉm nữa.
Bé nói muốn thôi đái dầm ban đêm.
Bé hỏi xem trong nhà có ai bị đái dầm khi còn nhỏ hay không.
Bé không muốn phải mặc bỉm vì đái dầm.
Cha mẹ có thể làm gì để con bớt căng thẳng:
Nhắc bé rằng đái dầm chẳng phải lỗi của ai.
Nói với bé rằng rất nhiều bạn khác cũng có vấn đề tương tự.
Không phạt hay làm bé xấu hổ vì tội đái dầm.
Nhắc nhở các anh chị trong nhà không chế nhạo bé.
Kể cho bé nghe chuyện người lớn trong gia đình cũng từng đái dầm (nếu có).
Không làm ầm ĩ khi thấy bé đái dầm.
Khen ngợi khi bé giúp cha mẹ xử lý hậu quả của đái dầm: giúp mẹ thay ga trải giường, mang đồ bẩn vào phòng giặt...
Khen ngợi nếu bé có tiến bộ: tỉnh dậy ban đêm để đi tiểu, tè dầm bãi nhỏ hơn, ngủ qua đêm mà không tè dầm...
Các phương pháp điều trị hành vi
1. Hạn chế đồ uống: Hạn chế lượng nước trẻ được uống sau bữa tối giúp giảm lượng nước tiểu sản xuất vào ban đêm. Tuy nhiên, cũng không nên tỏ ra quá nghiêm ngặt vì bé có thể hiểu nhầm là đang bị trừng phạt và sẽ tỏ thái độ thù địch. Cần chú ý cho bé uống đủ nước vào ban ngày.
2. Đánh thức bé vào ban đêm: Đánh thức và đưa bé vào nhà vệ sinh vài giờ sau khi đi ngủ. Trong đa số trường hợp, bé sẽ nửa tỉnh nửa mê khi đi vệ sinh. Một số bác sĩ cho rằng phương pháp này khiến tình trạng đái dầm trở nên trầm trọng hơn, lý do là thay vì để bé học cách nhận biết bàng quang đã đầy khi đang ngủ, phương pháp này chỉ tập cho bàng quang tống nước tiểu ra ngoài vào khoảng thời gian nhất định mỗi đêm. Một số bác sĩ coi đây là biện pháp đơn giản mà cha mẹ có thể áp dụng trong khi chờ đợi bé tự thoát khỏi đái dầm.
Cha mẹ cần chú ý khuyến khích bé chịu một phần trách nhiệm cho việc đái dầm như đi tiểu đều đặn trước khi đi ngủ, để áo quần bị ướt vào chậu giặt. Động viên và khen thưởng khi bé qua được một đêm khô ráo. Giúp bé lập lịch theo dõi sự tiến bộ và dán cho bé một tấm hình ngộ nghĩnh cho mỗi đêm không đái dầm. Tập luyện đúng cách có thể mang lại kết quả tích cực.
3. Điều trị bàng quang: Khuyến khích bé tăng lượng nước uống vào ban ngày, nghĩ về cảm giác bàng quang đầy nước tiểu, đáp ứng ngay với tín hiệu đầu tiên từ bàng quang và đái kiệt mỗi lần tiểu tiện.
4. Đồng hồ báo thức cho trẻ đái dầm: Thiết bị này giúp đánh thức bé khi bé đái dầm. Nó gồm 2 phần chính: bộ phận cảm nhận ẩm ướt được cài vào quần lót và chuông để đánh thức bé. Một số thiết bị có thêm khả năng rung, giúp đánh thức bé hiệu quả hơn.
Khi trẻ đái dầm, nước tiểu sẽ kích hoạt bộ phận cảm biến, làm chuông kêu to, đánh thức bé dậy đi vệ sinh. Sau nhiều tuần nghe chuông, bé học được cách nhận biết các tín hiệu của bàng quang và tỉnh dậy trước khi đái dầm. Bé có thể khỏi đái dầm sau 3 tháng luyện tập.
Nghiên cứu cho thấy đồng hồ báo thức mang lại hiệu quả cao nhất, lên tới 75%, và tỷ lệ tái phát thấp nhất so với các phương pháp điều trị chống đái dầm khác. Một nhược điểm của phương pháp này là đòi hỏi rất nhiều công sức của bé và gia đình. Cả nhà phải thức giấc thường xuyên vào ban đêm trong suốt thời gian dài, điều không phải ai cũng có thể chấp nhận.
5. Liệu pháp tâm lý: Đây là lựa chọn cho trẻ đái dầm thứ phát do những thay đổi hay chấn thương tâm lý trong cuộc đời, hoặc cho trẻ quá mất tự tin vì tật đái dầm.
Điều trị bằng thuốc
Có một vài loại thuốc được sử dụng để điều trị đái dầm. Có thể dùng thuốc đơn độc hoặc kết hợp với điều trị hành vi. Thuốc không mang lại hiệu quả kéo dài và đa số trẻ đái dầm trở lại khi ngừng thuốc, vì vậy bác sĩ thường khuyến cáo cho trẻ dùng thuốc trong thời gian ngắn, hoặc dùng với mục đích kiểm soát triệu chứng nếu các biện pháp khác đều thất bại.
- Desmopressin (Minirin): Có tác dụng ức chế thận sản xuất nước tiểu; thuốc hiệu quả ở 50% bệnh nhân. Thuốc cần được sử dụng một cách thận trọng theo hướng dẫn của bác sĩ vì tiềm ẩn nguy cơ tác dụng phụ nguy hiểm.
Năm 2013, Khoa Thận Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành thử nghiệm sử dụng cho 35 trẻ đái dầm tiên phát. Kết quả cho thấy, điều trị bằng Minirin mang lại tỷ lệ thành công cao nhất sau 3 tháng (70,8%), đau đầu xuất hiện ở 17% trẻ dùng thuốc.
- Imipramine: Là một loại thuốc chống trầm cảm nhưng có tác động lên bàng quang, thuốc hiệu quả ở 40% bệnh nhân. Đáng lo ngại là sự chênh lệch quá nhỏ giữa liều hiệu quả và liều gây độc. Imipramine là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ tử vong vì ngộ độc ở Anh. Trẻ có thể chết vì vô tình dùng thuốc quá liều. Một số bác sĩ cho rằng thuốc không đủ an toàn để sử dụng trong các bệnh lành tính như đái dầm.
- Oxybutynin: Là thuốc kháng tiết cholin, có tác dụng chống co thắt, thường được kê cho bệnh nhân có bàng quang hoạt động quá độ. Những bệnh nhân này bị co thắt bàng quang không thể kiểm soát, phải đi tiểu liên tục, mót tiểu đột ngột không có dấu hiệu báo trước. Trẻ có bàng quang hoạt động quá mức thường đái dầm nhiều hơn một lần mỗi đêm và cũng đái dầm cả ban ngày. Hiệu quả của Oxybutynin trong đái dầm không cao nhưng nếu sử dụng kết hợp với đồng hồ báo thức hay desmopressin, nó giúp làm thư giãn bàng quang đủ để các biện pháp kia trở nên hiệu quả hơn.
Các biện pháp không chính thống
Các biện pháp điều trị như châm cứu, thôi miên, dùng thuốc tolterodine, atomoxetine không được coi là tiêu chuẩn vì chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

6666


AQC


Ảnh QC


Ảnh tiêu đề



Ảnh tiêu đề


Ảnh 5

Ảnh5

Ảnh 4

Ảnh 4

Ảnh 3

Ảnh 3

Ảnh 2

Ảnh 2

Ảnh 1

Ảnh 1

Được tạo bởi Blogger.

Search

Followers